Tại sao chúng ta nên thiết lập một hệ thống 3D tại gia:
Chi phí chính là lý do đầu tiên. Hiện Việt Nam có 2 hệ thống rạp chiếu phim 3D, hệ thống rạp Galaxy có giá 160 ngàn cho vé 3D mắc nhất và MegaStar là 200 ngàn. Mà chẳng ai lại coi phim 1 mình, bạn phải tốn chi phí cho 2 người và tiền nước, bắp rang bơ.... Với cường độ phim 3D như hiện nay, một người yêu điện ảnh sẽ đi xem phim 3D khoảng 2-3 lần 1 tháng, tức là khoảng 1 triệu đồng 1 tháng, đi đông người còn tốn nhiều tiền hơn, chẳng hạn 4 người có thể lên tới 1,5-2 triệu.
Tại sao lại lấy vé cao nhất? đơn giản là vì chỉ với mức giá đó bạn lại mới có thể tận hưởng góc nhìn ,vị trí ngồi như hệ thống rạp chiếu ở nhà. Ai cũng biết rằng hiệu ứng phim 3D chỉ thể hiện tốt nhất nếu bạn ngồi đối diện màn chiếu, với diện tích nhỏ như ở nhà, trải nghiệm 3D sẽ thật hơn và tốt hơn không gian lớn ở rạp. Cá nhân mình đã thử khá nhiều hệ thống 3D, từ MegaStar, Galaxy cho nVidia 3D Vision nhưng tất cả đều thua chiếc máy chiếu với tổng chi phí đầu tư 1500$ cho 4 người xem ở phía dưới về hiệu ứng (rạp chiếu phim 3D tại gia).
Hơn nữa, một hệ thống rạp chiếu tại gia sẽ cho phép bạn thoải mái về mặt thời gian, cũng không lo bị thiếu chỗ ngồi trong những ngày lễ, đông đúc. Vừa tốt hơn về mặt trải nghiệm mà lại có tổng giá thành rẻ hơn, bạn sẽ lựa chọn giải pháp nào?
Máy chiếu:
Một máy chiếu phim 3D sẽ là lựa chọn hợp lý hơn rất nhiều so với TV 3D truyền thống ở thời điểm hiện tại. Lý do rất đơn giản: chi phí và hiệu năng sử dụng. Nhiều người cho rằng tuy giá máy chiếu phim không đắt nhưng chi phí phải bỏ ra để thay đèn chiếu là khá cao vì tuổi thọ của chúng khá ngắn chứ không dài như màn hình TV thông thường. Hãy nhìn vào sự thật thế này, chúng ta không thường xuyên xem quá một bộ phim trong ngày, trung bình từ 1-2 tiếng. Lấy con số 2 tiếng thì 1 năm chúng ta có 365x2=730 tiếng, tuổi thọ trung bình đèn chiếu là 3000 giờ và có thể cao hơn với các máy cao cấp, tức bóng đèn đó tồn tại khoảng 3000/730= 4 năm. Trong 4 năm đó thì có thể bạn đã đổi vài chiếc máy chiếu khác nhau rồi!
Một máy chiếu 3D của thương hiệu Đài Loan Optoma có giá khoảng hơn 1000$ một chút, một chiếc kính 3D giá 130$ và khoảng 4 chiếc kính là đã có thể đáp ứng nhu cầu của 1 gia đình. Như vậy, tổng giá trị đầu tư cho máy chiếu và kính vào khoảng 1500$ trong khi với số tiền đó, bạn gần như không thể mua được 1 chiếc TV nào hỗ trợ 3D chứ chưa cần nhắc đến kích thước từ 200 inch trở lên vượt trội của màn chiếu so với 55-65 inch trị giá 70 triệu trở lên của LCD 3D hiện nay.
Nếu có nhu cầu cao hơn, bạn có thể sử dụng các máy chiếu của Sony (chiếc máy chiếu VW90ES giá 187 triệu đã được giới thiệu trong bài viết này), Panasonic... với chất lượng tốt hơn. Tất nhiên máy chiếu cũng đòi hỏi màn chiếu “xịn” nhưng đây là vật dụng cần đầu tư một lần duy nhất nên nó vẫn rất xứng đáng với số tiền bỏ ra. Nếu xem TV nhiều thì bạn có thể mua 1 TV thông thường kết hợp với giá thành rẻ hơn rất nhiều so với TV 3D. Ngoài ra thì điều kiện phòng ốc cũng nên được cân nhắc, phòng càng tối và kín thì cảm giác ở trong rạp chiếu phim càng tăng lên.
Âm Thanh:
Âm thanh cũng là một điều cần phải quan tâm. Chất lượng âm thanh không chỉ bị ảnh hưởng bởi loa, âm ly mà phòng chiếu phim và khả năng cách âm của nó cũng là nhân tố quyết định. Có nhiều người bỏ ra nhiều tiền để nâng cấp giàn âm thanh nhưng họ vẫn không hài lòng, lý do đơn giản là phòng được thiết kế chưa tốt, âm thanh phản xạ không đều và không thể dàn trải ra khắp phòng.
Tất nhiên, với một hệ thống máy chiếu như vậy thì loa cũng nên tương xứng. Bạn đừng nên sử dụng loa máy tính mà hãy dùng loa dân dụng có chất lượng cao hơn. Một bộ âm ly và loa cũ với tổng giá trị khoảng 10 triệu là đủ đáp ứng nhu cầu của hầu hết mọi người. Loa đa kênh sẽ tốt hơn cho những người thích xem phim trong khi strereo 2 kênh lại dành cho nghe nhạc. Nếu hầu bao rủng rỉnh, 2 hệ thống loa cho 2 nhu cầu khác nhau cũng có thể được cân nhắc.
Nguồn chiếu:
Giải quyết xong vấn đề nhìn và xem, chúng ta hãy chuyển sang nguồn chiếu. Thành thật mà nói, kho phim 3D hiện nay chưa thật sự nhiều, hơn nữa chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ loại phim 3D nào. Hiện có 2 loại phim 3D phổ biến là phim dùng kính 2 màu xanh đỏ tím vàng vốn không yêu cầu ngặt nghèo về máy chiếu 3D chuyên dụng và phim dùng kính chớp shutter glass. Các loại phim 2 màu nên được bỏ qua vì chúng cho chất lượng kém, hiệu ứng 3D không thể hiện tốt và gây nhiều hệ quả phụ như nhức đầu, chóng mặt hơn. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất ngăn cản chúng ta thiết lập hệ thống phim 3D tại gia.
Phim 3D dùng 2 lớp dữ liệu chiếu xen kẽ nên dung lượng sẽ gấp đôi (chính xác 100%) 1 bộ phim truyền thống có cùng tất cả các thông số (bit rate, độ phân giải, codec hình, codec âm thanh....). Hơn nữa, dung lượng phim HD đã khá lớn (khoảng 10GB cho một bộ phim dài 1,5 tiếng ở độ phân giải 1080p) sẽ càng lớn hơn với 3D. 1 ổ cứng với dung lượng lớn 1TB sẽ nhanh chóng bị lấp đầy với khoảng 50 bộ phim có độ dài trung bình.
Hạn chế của máy chiếu:
Cho dù có lợi thế về chi phí nhưng máy chiếu 3D cũng có những nhược điểm nhất định, chẳng hạn như cách thức thiết lập (setup) khá phức tạp để đạt được nhưng hiệu ứng và chất lượng hình ảnh tốt nhất. Một số máy chiếu đòi hỏi sử dụng màn hình chiếu bạc khá mắc tiền trong khi 1 số khác lại không. Ngoài ra, căn phòng của bạn cũng phải được sắp đặt hợp lý để tránh các hiện tượng tán xạ ánh sáng không cần thiết.... Có thể nói việc phải dành một diện tích khá lớn riêng cho phòng chiếu là một điều xa xỉ trong thời buổi đất đắt như vàng hiện nay (hệ thống chiếu phim 3D tại gia).
Ngược lại với máy chiếu, TV 3D có những lợi thế như rất dễ để lắp đặt, dễ dàng chấp nhận hàng loạt các thiết bị khác nhau kết nối cùng lúc mà bạn không phải thay dây (thường máy chiếu có rất ít cổng HDMI, chỉ vào khoảng 2 cổng trong khi TV từ 3-4 cổng). TV 3D cũng không phải cân chỉnh hay đục tường tạo bộ gá..... phức tạp như máy chiếu, chỉ cắm điện và chạy mà thôi. |